Chuck Feeney, vị tỷ phú có tấm lòng Bồ Tát với phương châm ‘Cho đi tất cả’ và biệt danh ‘James Bonds từ thiện’

Phải mất đến nhiều thập kỷ, tỷ phú Chuck Feeney, nhà đồng sáng lập chuỗi cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers cuối cùng mới hiến được hết toàn bộ số tiền mà ông có vào các quỹ từ thiện. Giờ thì dù chẳng còn gì nhiều, nhưng có lẽ ông lại là nhà từ thiện cực kỳ hạnh phúc.

Năm 1960, Charles “Chuck” Feeney và Robert Miller cùng sáng lập ra chuỗi cửa hàng bán hàng miễn thuế ở các sân bay có tên Duty Free Shoppers và kể từ đó, ông kiếm được hàng tỷ USD. Dẫu vậy, từ đó đến nay, khi đã 89 tuổi, ông vẫn sống một cuộc đời khổ hạnh như một nhà tu.

Feeney
Tỷ phú ‘cho đi hết cả’ Chuck Feeney. Ảnh: Irish Times

Trong lĩnh vực làm từ thiện, ông là người tiên phong thực hiện ý tưởng Giving While Living (Cho đi Khi Còn sống), tức là làm từ thiện ngay khi còn sống, chứ không đợi sau khi qua đời mới hiến tài sản cho các quỹ từ thiện.

Ông đã thực hiện điều đó với tâm niệm: “Khi chết, bạn không thể mang hết tài sản đi theo được, vậy thì tại sao lại cho hết ngay đi để có thể dõi theo những đồng tiền từ thiện, quản lý được chúng và chứng kiến được các kết quả thiện nguyện ngay khi còn sống?”.

Tâm sự với Forbes, ông Feeney bộc bạch: “Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó khác biệt, và chúng tôi thấy rất thanh thản, mãn nguyện. Được chứng kiến những điều gì đã làm, chúng tôi thấy thật tuyệt”.

Ông cũng cám ơn những người đã đồng hành cùng ông trên con đường thiện nguyện này: “Chúng tôi cám ơn những người bạn đồng hành trên con đường này và muốn nhắn gửi tới những ai đang suy nghĩ tiếp bước phong trào Giving While Living. Hãy thử đi, các bạn sẽ thấy rất thú vị”.

Trong suốt 4 thập kỷ gần đây, thông qua quỹ từ thiện do ông thành lập-the Atlantic Philanthropies- Feeney đã gửi từ thiện hơn 8 tỷ USD, trong đó nhiều trường đại học, quỹ từ thiện khác nhau trên thế giới là những nơi thụ hưởng những món quà từ thiện của ông.

“Lần đầu gặp ông vào năm 2012, Feeney chia sẻ dự định sẽ chỉ dành khoảng 2 triệu USD cho vợ và mình sinh sống sau khi nghỉ hưu”, Steven Bertoni, cây bút của Forbes viết. Như vậy, nói một cách khác, Feeney đã cho đi từ thiện cỡ 375.000% số tiền mà ông giữ lại. Và điều đáng nói hơn, tất cả các số tiền ông từ thiện đều được gửi dưới hình thức vô danh.

Trong khi nhiều người giàu có khác đều tung cả đội quân quảng cáo cho những đóng góp từ thiện của họ thì Feeney lại cố gắng mọi cách để giữ bí mật cho các khoản từ thiện của mình. Chính vì những đóng góp thầm lặng của ông trong các chiến dịch từ thiện trên khắp thế giới, tạp chí Forbes trân trọng đặt cho ông biệt danh ‘Điệp viên James Bonds trong làng từ thiện’.

Feeney Irish_Times
Mặc dù cực kỳ giàu có nhưng tỷ phú Feeney lại nổi tiếng có lối sống tằn tiện, đơn giản. Ảnh: Irish Times

Nhưng Feeney lại có cuộc sống khá khắc khổ. Người đàn ông kiếm được cả đống tiền này từ chuỗi bán hàng xa xỉ cho khách du lịch, và từ công ty năng lượng General Atlantic mà ông thành lập sau này, lại sống trong một căn hộ ở San Francisco như kiểu phòng ký túc xá của một sinh viên năm thứ nhất, theo miêu tả của Forbes.

“Cách đây vài năm, khi tôi đến thăm thấy trên tường nhà ông treo đầy các bức ảnh được in từ các máy in phun, dưới đó là một chiếc bàn gỗ thô sơ. Trên bàn có một tấm bảng nhựa nhỏ có ghi: “Xin chúc mừng Chuck Feeney vì đã quyên góp 8 tỷ USD cho từ thiện”, cây bút Steven Bertoni viết.

Vâng, đó chính là chân dung tinh tế của Feeney, và ảnh hưởng vô cùng rộng lớn của ông. Giờ thì những bí mật của ông không còn nữa, và những khoản từ thiện của ông đã vượt lên trên các doanh nhân hay nhà từ thiện có ảnh hưởng lớn nhất. Sự hào phóng và các khoản đầu tư ‘gan dạ’ của ông đã ảnh hưởng đến Bill Gates và Warren Buffett, giúp họ khởi động chiến dịch Giving Pledge vào năm 2010, nhằm cổ động, khuyến khích những người giàu nhất thế giới cho đi ít nhất phân nửa tài sản của họ trước khi họ qua đời.

Tiền của Feeney đã góp phần giải quyết được rất nhiều vấn đề lớn, như mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam hay biến đảo bỏ hoang Roosevelt của New York thành một trung tâm công nghệ (với mức đầu tư 350 triệu USD). Không đợi đến sau khi chết mới hiến tặng tài sản, ông sục sạo tìm những nguyên nhân gây ra những bất ổn và khó khăn để có thể có những tác động mạnh mẽ và lao vào giải quyết vấn đề.

Feeney va vo-WSJ
Mặc dù từng có hơn 8 tỷ USD, tỷ phú Feeney chỉ giữ lại 2 triệu USD để cùng vợ dưỡng già và cho đi tất cả. Ảnh: Wall Street Journal

Steven Bertoni tiếp tục viết” “Vào năm 2019, khi làm việc với tổ chức thiện nguyện Atlantic Philanthropies, tôi có đọc được một báo cáo có tựa đề: “Zero Is the Hero” (số 0 anh hùng), trong đó tóm tắt những nỗ lực thiện nguyện không ngừng nghỉ của Feeney trong hàng thập kỷ qua”. Bỏ qua hàng trăm số liệu, thống kê và những bảng biểu, Feeney tóm tắt nhiệm vụ cao cả của mình chỉ trong vài câu: “Tôi thấy có ít lý do để trì hoãn việc cho đi khi mà những điều tốt đẹp được tìm thấy qua việc hỗ trợ những mục đích xứng đáng. Chưa kể, có nhiều thú vị khi bạn cho đi lúc bạn còn sống thay vì chả biết được gì sau khi chết mới hiến tặng”.

Cách đây hơn 1 tuần, vào ngày 14/9/2020, Feeney đã hoàn thành sứ mệnh của mình và ký vào các giấy tờ để đóng cửa quỹ thiện nguyện Atlantic Philanthropies. Buổi lễ được thực hiện trên phần mềm họp trực tuyến Zoom, đã nhận được các thư điện tử chúc mừng của tỷ phú Bill Gates và cựu Thống đốc bang California, ông Jerry Brown. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, còn gửi một bức thư chính thức từ Quốc hội Hoa Kỳ để cảm ơn Feeney vì những công việc cao cả của ông.

Vào thời kỳ đỉnh cao, quỹ thiện nguyện Atlantic Philanthropies có tới hơn 300 nhân viên, làm việc tại 10 văn phòng nằm rải rác trên 7 múi giờ khác nhau trên toàn cầu. Ngày đóng cửa chính thức quỹ thiện nguyện đã được ấn định từ trước đây khá lâu, như một phần trong kế hoạch dài hạn của ông và 2020 là thời hạn cuối cùng. Điều này cho phép quỹ có thời gian ghi lại lịch sử hoạt động của mình, điểm lại những mặt được và chưa được và lập ra chiến lược hình mẫu cho các tổ chức thiện nguyện khác học tập sau này. “Feeney từng nói với tôi: Công việc thiện nguyện của chúng tôi dựa trên những cơ hội, thời điểm chứ không phải là một kế hoạch làm việc dài hạn”, ký giả Steven Bertoni viết.

FeeneyVN
Tỷ phú Feeney và vợ trong một lần đến thăm Việt Nam. Ảnh tư liệu

Mặc dầu quỹ thiện nguyện của tỷ phú Chuck Feeney đã chính thức ngừng hoạt động, nhưng những ảnh hưởng của nó vẫn không ngừng vang dội trên toàn thế giới nhờ những khoản thiện nguyện cực lớn trong các lĩnh vực y tế, khoa học, giáo dục và hoạt động xã hội.

8 tỷ USD thiện nguyện của tỷ phú Feeney đã đi những đâu? Feeney đã chi 3,7 tỷ USD cho giáo dục, trong đó gần 1 tỷ USD cho Cornell, trường đại học cũ của mình. Hơn 870 triệu được tài trợ cho những hoạt động vì quyền của con người và các hoạt động xã hội, thí dụ như 63 triệu giúp vận động bãi bỏ án tử hình ở Mỹ, 76 triệu USD cho các chiến dịch tranh cử cấp cơ sở giúp ông Obama lên làm tổng thống.

Ông cũng đã trao tặng hơn 700 triệu quà tặng cho lĩnh vực y tế, trong đó giúp đỡ Việt Nam 270 triệu USD để cải thiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tặng 176 triệu USD cho Viện chăm sóc sức khỏe não bộ ở đại học California, bang San Francisco.

Một trong những món quà cuối cùng của Feeney là tặng đại học Cornell 350 triệu USD để xây dựng một khuôn viên công nghệ tại đảo Roosevelt, thuộc thành phố New York. Triết lý cống hiến của ông là sống tiết kiệm nhưng hiến tặng thì hào phóng, cho đến đồng tiền cuối cùng trong gia sản kếch sù của mình.

Theo nhadautu (chuyển ngữ từ Forbes)

Chia sẻ bài viết

Scroll to top