“Vào mỗi tiết Tin học, Kĩ thuật và Mỹ thuật em và các bạn đều chỉ lật giở sách vở, đọc hướng dẫn trong sách giáo khoa và cặm cụi chép bài. Em mong muốn giờ học thực hành sẽ có đầy đủ thiết bị, để em và các bạn được tô màu, vẽ tranh và lắp ghép, không chỉ nhìn qua sách giáo khoa nữa.”
Trường PTDT Bán trú Tiểu học Sơn Vĩ có 461 học sinh được phân thành 23 lớp. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có 19 phòng học dẫn đến 4 lớp phải đi học nhờ tại Nhà Văn hóa thôn cũng như Đồn Biên phòng. Ngay tại 19 lớp học, có những tường phòng học có dấu hiệu trượt sơn, thấm ướt và hư hỏng nghiêm trọng. Đặc biệt các phòng học đều thiếu các trang thiết bị dạy học cho các em học sinh được thực hành. Trong các giờ học, nguồn thông tin duy nhất của các em dừng lại trong sách giáo khoa, không có ảnh, tranh hay bất cứ dụng cụ thực hành trực quan nào.
Với hiện trạng như trên, cơ sở vật chất của nhà trường chưa đáp ứng được một cách đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh cũng như chưa đảm bảo được những điều kiện cần thiết để tối ưu hóa quá trình thu nhận kiến thức của các em.
Em H.M.N học sinh trường PTDTBT Tiểu học Sơn Vĩ là học sinh nghèo, bố mất do tai nạn, một mình mẹ nuôi 2 anh em. Tuy vậy, N luôn cố gắng học tập và nhiều năm liền là học sinh xuất sắc toàn diện. Em rất hứng thú với những môn học về thực hành như công nghệ, tin học tuy nhiên do nhà trường hiện tại chưa có đủ cơ sở vật chất nên các em chỉ chủ yếu học trong sách giáo khoa. “Em luôn mong muốn nhà trường có 1 phòng học hiện đại, có đầy đủ trang thiết bị để chúng em được tiếp xúc với nhiều thiết bị hiện đại hơn.”
Việc có các phòng học đảm bảo chất lượng sẽ cho các em một môi trường học hiệu quả và giúp quá trình học của các em hiệu quả hơn. Hơn nữa, các phòng học STEM giúp phát triển tư duy phản biện và khuyến khích học sinh giải quyết vấn đề thông qua các dự án thực tiễn. Môi trường này cho phép học sinh thực hành kỹ năng như lập trình và thiết kế, đồng thời tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực, giúp họ thấy được mối liên hệ giữa các môn học. Các hoạt động nhóm trong phòng học còn phát triển kỹ năng giao tiếp và hợp tác, trong khi việc sử dụng công nghệ hiện đại giúp học sinh làm quen với các công cụ mới. Tóm lại, đầu tư vào phòng học STEM không chỉ mang lại lợi ích cho học sinh mà còn cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện.
Kỷ niệm 5 năm thành lập Tổng Công ty dịch vụ số Viettel – đơn vị chủ quản của Viettel Money, Viettel Money kết hợp cùng quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) và nền tảng Gây quỹ GiveNow triển khai chuỗi chương trình “Kiến tạo trường học hạnh phúc”, mang niềm vui tới trường và cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng, hiện đại và phát triển năng lực toàn diện cho hơn 2000 em học sinh vùng cao, trong đó có 461 học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Vĩ, Hà Giang.
Giai đoạn 4 dự án “Kiến tạo trường học hạnh phúc” đặt mục tiêu trang bị phòng học theo mô hình STEM cho 461 học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Vĩ, Hà Giang, giúp học sinh vùng cao tại đây có thể học tập và đạt được kết quả học tập tốt hơn. Trong giai đoạn 4, dự án hỗ trợ các hạng mục là:
- Giáo cụ hỗ trợ giảng dạy các môn học Hóa học, Vật lý, Công nghệ máy tính, Sinh học như Kính lúp quan sát, Dụng cụ lắp ghép mô hình, Kính hiển vi, Bộ nam châm,…
- Đồ dùng hỗ trợ học sinh phát triển các kỹ năng về STEM như sách hướng dẫn, Bộ thí nghiệm, Bộ trồng cây, Mô hình máy chiếu…
- 02 Màn hình Tivi 55 inch
Để làm được điều đó, chúng tôi kêu gọi sự chung tay đóng góp của cộng đồng với tổng số tiền số tiền gây quỹ là 155.000.000đ trong thời gian dự kiến từ 1.12.2024 – 31.1.2025 để cải tạo các hạng mục nói trên và các chi phí khác như chi phí truyền thông, gây quỹ, theo dõi, giám sát và quản lý dự án… Thông qua sự hỗ trợ đối với hệ thống phòng học, các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Vĩ, Hà Giang sẽ có thể học tập trong môi trường đáp ứng tiêu chuẩn STEM, từ đó sẽ có cơ hội phát triển hiệu quả hơn.
Hãy tiếp tục chung tay cùng chúng tôi lan tỏa “trường học thân thiện, học sinh khỏe mạnh” đến với thêm nhiều trường học cần hỗ trợ , để có thêm thật nhiều học sinh được tiếp cận với chất lượng giáo dục tốt hơn, toàn diện hơn.