Việt lớn lên cùng mẹ và hai anh chị trong một căn nhà lợp tôn thấp lè tè, hè nóng như thiêu đốt, đông lạnh cắt da thịt. Năm cậu hai tuổi, người cha mất tích trên biển chỉ sau ba tháng sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động, để lại vợ và con nhỏ cùng khoản nợ 400 triệu đồng.
Để nuôi con và trả nợ, chị Phường phải dậy từ 4h, đạp xe ra bãi biển gom cua cá rồi đạp ngược lại chợ bán. Ngày nhiều, bà mẹ ba con kiếm được 100.000 đồng, hôm dông bão lại về tay trắng. Đến chiều, một mình chị lại xoay vần với hai sào ruộng. Năm được mùa đủ ăn, mất mùa lại vác rá xin gạo nhà bà ngoại.
Người mẹ ban đầu xác định cố gắng làm việc để mang lại cuộc sống tốt nhất cho những đứa con, nhưng căn bệnh của Việt đã phá tan kế hoạch của chị.
“Tôi chưa phải là người mẹ tốt. Nếu không đi làm suốt ngày, có thể phát hiện bệnh của con sớm hơn mà không để lâu như vậy”, chị tự trách mình.
Căn bệnh của Việt thực sự đã kéo dài một thời gian. Vào thời điểm phát hiện, khối u đã xâm chiếm phần giữa trung thất tim và phổi. Việc duy nhất có thể làm là phẫu thuật cắt bỏ và hóa trị nhằm duy trì sự sống. Nhà không có tiền, họ hàng làng xóm gom góp được 20 triệu đủ cho ca mổ. Chi phí ăn uống, sinh hoạt cho hai mẹ con suốt thời gian điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện trung ương Huế phải vay mượn hoặc xin cơm từ thiện.
Để điều trị bệnh, Việt nghỉ học khi vừa kết thúc lớp 6. Trước đó, người mẹ đã chuẩn bị lý lẽ thuyết phục vì sao không thể tiếp tục đến trường nhưng cậu bé không ngừng khóc.
Giống như những đứa trẻ cùng trang lứa, Việt thích chơi bóng đá. Nhưng phải nằm điều trị gần hai năm trong viện, Việt dường như biến thành con người khác. Hầu hết thời gian trong ngày, cậu đờ đẫn nhìn vào khoảng không trống rỗng trước mặt, thậm chí không muốn bước chân ra khỏi giường.
“Một phần vì mệt, phần khác là Việt thấy tủi thân khi bạn bè được đi học, có bố mẹ đưa đón, chăm sóc, còn con thì không”, chị Phường nói.
Cứ điều trị khoảng ba tháng, hai mẹ con lại về thăm nhà vài ngày. Việc đầu tiên khi Việt bước vào nhà là thắp nhang lên bàn thờ bố, chắp tay khấn. Cậu bé vẫn hy vọng có một phép màu để tiếp tục được đến trường và cuộc sống không chỉ gắn liền với giường bệnh.
Mỗi lần nhìn con thành kính trước bàn thờ, mắt chị Phường lại đỏ hoe. Người phụ nữ này không thể đếm nổi đã khóc bao lần kể từ khi con trai đổ bệnh. Nhưng nước mắt rơi nhiều nhất là mỗi khi Việt kêu “Mẹ, con không chịu nổi nữa”.
Đó là những lúc hóa trị nôn mửa cả ngày, đi đâu cũng phải có người dìu. Ngay cả những cử động đơn giản nhất cũng có thể khiến cậu bé kiệt sức. Khi nghe thông tin khối u mọc lại chỉ sau nửa năm phẫu thuật, Việt nắm tay mẹ nêu nguyện vọng: “Chúng ta có thể về nhà không, con không muốn ở bệnh viện nữa”.
Để động viên, chị Phường thường nắm chặt đôi bàn tay gầy guộc, chi chít những vết châm chích bởi tiêm truyền của con trai áp vào má mình, thủ thỉ: “Vì mẹ, con hãy cố lên”.
Rất nhiều lần câu nói này được sử dụng và Việt vẫn kiên trì ở lại viện theo đúng nguyện vọng của mẹ. Tuy nhiên, thời gian điều trị càng dài, nỗi lo cơm áo gạo tiền với gia đình này càng chồng chất.
“Đây là bệnh nhân có gia cảnh đặc biệt khó khăn. Dù bệnh viện đã dành nhiều xuất quà và tiền ủng hộ nhưng chỉ san sẻ được phần nào gánh nặng”, chị Trương Kim Yến, điều dưỡng trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện trung ương Huế nói.
Theo nữ điều dưỡng, hiện Việt vẫn tiếp tục hóa trị để ngăn khối u mới phát triển. Nếu có dấu hiệu teo nhỏ sẽ không phải mổ. Trong trường hợp còn lại, chi phí phẫu thuật sẽ là gánh nặng lớn với kinh tế gia đình.
Dù trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng chị Phường vẫn luôn cố gắng để con điều trị theo đúng yêu cầu của bác sĩ. “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để Việt được ở bên mẹ lâu nhất”, chị nói.
Còn với Việt, dù bản thân không biết có thể thực hiện được lời hứa với mẹ hay không nhưng có một điều cậu bé 13 tuổi có thể chắc chắn, có mẹ là điều may mắn lớn nhất trong cuộc đời.
Với mong muốn chia sẻ những khó khăn vất vả của mẹ con chị Phường, giúp em Việt có chi phí điều trị bệnh, Quỹ Hy vọng đặt mục tiêu quyên góp 50 triệu đồng từ cộng đồng qua nền tảng GiveNow.