“Thiệt hại về người và tài sản cứ tăng lên hàng giờ, đặc biệt có rất nhiều trẻ em, học sinh không có khả năng chống chịu”. Đấy là phát biểu của một cán bộ địa phương tại Văn Trấn, Yên Bái.
Cơn bão Yagi đã và đang gây ra thiệt hại nặng nề tại nhiều khu vực ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang, Hoà Bình, v.v… Không chỉ gây là bão lũ, mưa lớn, cơn bão còn gây sạt lở, ngập lụt, tàn phá tài sản của người dân, phá hủy các công trình mà còn tạo nên những thách thức lớn và thiệt thòi đối với các trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao, nơi mà điều kiện sinh hoạt vốn đã khó khăn, mùa bão lại càng làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Cháu bé 3 tuổi được cứu, đưa ra khỏi đống đổ nát do sạt lở núi
(Nguồn Báo Lào Cai)
Theo một vài con số thống kê nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn – Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái, tại Yên Bái, tới ngày 10.9.2024, đã có hơn 50 người thương vong, hơn 22.000 nhà dân sập đổ, hư hỏng, hơn 30 trường học bị ngập úng, 39 trường bị sạt lở, nứt công trình, đổ tường rào, thủng mái tôn. Có 02 giáo viên thuộc thành phố Yên Bái thiệt mạng do sạt lở đất; 7 học sinh thiệt mạng do bão.
Tại Lào Cai, báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN Lào Cai cũng vô cùng nặng nề, khi tới 10.9.2024 đã có hơn 70 người thương vong, hơn 4.000 ngôi nhà sập đổ, 46 xã, 85 thôn đang bị cô lập, 32 trường bị ảnh hưởng thiệt hại do bão.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Tuyên Quang, Hoà Bình, Cao Bằng và còn có xu hướng lan rộng. Đây chỉ là những con số thống kê tạm thời và có thể còn tăng lên trong bối cảnh mưa bão diễn biến phức tạp. Nhiều sự hỗ trợ, cứu trợ đã được huy động, nhưng không chỉ là cứu trợ khẩn cấp, sau cơn bão, với thiệt hại nặng như vậy, chắc chắn có rất nhiều việc phải làm, và trong bão hay sau bão đều quan trọng như nhau.
Sạt lở đất làm gãy khung cửa sổ ở lớp học Trường Trường TH & THCS Xuân Tầm huyện Văn Yên (Nguồn báo Yên Bái)
Toàn bộ 35 ngôi nhà thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh bị vùi lấp hoàn toàn
(Nguồn Báo Lào Cai)
Việt Nam là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới. Tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu rõ rệt nhất qua những hiện tượng tự nhiên cực đoan, gây tổn thất lớn lao và nghiêm trọng cho các cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng yếu thế trên khắp Việt Nam. Những năm gần đây, chúng ta phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn tự nhiên như: mưa lũ, gió bão, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và mức độ trầm trọng ngày càng gia tăng. Bão Yagi mở đầu mùa mưa bão năm 2024 nhưng cũng dự đoán còn các cơn bão nữa có thể đổ vào miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Sau mỗi “thảm hoạ” đi qua, đều để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội và con người, tác động xấu tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em: thiếu lương lực, thực phẩm, nước sạch, thuốc men, sách vở, và cả sức khoẻ thể chất, tinh thần. Thêm nữa, thời điểm xảy ra các khủng hoảng tự nhiên cũng trở nên bất thường và khó dự báo hơn. Trong mọi khủng hoảng, cộng đồng vùng thiên tai đặc biệt là trẻ em luôn là nhóm đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất do phải đối mặt với những rủi ro và nguy cơ về sức khoẻ thể chất, tinh thần, dinh dưỡng, và đặc biệt là gián đoạn việc tiếp cận tới trường học để duy trì việc học tập.
Chính vì thế, chúng ta phải cùng nhau hành động. Theo đuổi sứ mệnh hỗ trợ trẻ em tiếp cận giáo dục, đảm bảo sự phát triển toàn diện tối ưu hoá tiềm năng cho các em, và cũng là Quỹ xã hội, tổ chức xã hội, Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) và MSD United Way Vietnam, GiveNow chia sẻ sứ mệnh với Viettel Money mong muốn kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để sát cánh cùng trẻ em tại các khu vực bị bão lũ, ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua bão lũ trên nền tảng gây quỹ trực tuyến Give now. Chúng tôi mong muốn gây quỹ với ngân sách dự kiến 500.000.000 VNĐ để hỗ trợ các trẻ em và gia đình trong bối cảnh thiên tai, bão lũ. Sự đóng góp của bạn có thể mang lại:
– Gói hỗ trợ dinh dưỡng, vệ sinh dịch tễ cho các gia đình khó khăn;
– Các gói quần áo, giày dép, sách vở và đồ dùng học tập để các em tới trường;
– Hỗ trợ nhà trường trong cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo việc học tập, quay trở lại trường học cho học sinh sau mùa bão lũ;
– Hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng tránh giảm thiểu thiên tai và biến đổi khí hậu trong trường học;
– Gói hỗ trợ khắc phục, tái thiết sau khủng hoảng khác theo nhu cầu thực tế.
Chúng tôi hi vọng dự án “Sát cánh cùng em qua mùa lũ” sẽ nhanh chóng nhận được sự quan tâm và chung tay từ quý vị thông qua các hoạt động đóng góp dù nhỏ nhất bởi thông qua thật nhiều những đóng góp nhỏ bé, chúng tôi có thể huy động được một nguồn lực thật lớn lao để giúp đỡ cuộc sống của trẻ em vùng lũ trở nên tốt đẹp hơn.
Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng gắn kết, yêu thương, nơi mà không ai bị bỏ lại phía sau.